Xây dựng Nông thôn mới gắn với bảo vệ môi trường
Lượt xem: 802
Xây dựng nông thôn thân thiện với môi trường là 1 trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới

Ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng sống của người nông dân. Trong 19 tiêu chí qui định theo Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM, vấn đề môi trường thuộc tiêu chí 17; trong đó, có nói đến 5 nội dung, đó là: Tỷ lệ được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh theo quy chuẩn quốc gia; Các cơ sở sản xuất kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường; Không có các hoạt động gây suy giảm môi trường và có các hoạt động phát triển môi trường xanh, sạch, đẹp; Nghĩa trang được xây dựng theo quy hoạch; Chất thải, nước thải được thu gom và xử lý theo quy định.




            Tuy nhiên, với thực trạng ô nhiễm môi trường ở nông thôn như hiện nay, đây là tiêu chí khó thực hiện trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Bởi lẽ, đây là vấn đề lớn của cả nước nhất là đối với một nước nông nghiệp, đòi hỏi ý thức cao của người dân, sự quan tâm vào cuộc quyết liệt của chính quyền, kinh phí đầu tư lớn, chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe, …


            Tại nhiều nơi, người dân vẫn không có thói quen phân loại và thu gom rác lại để xử lý. Chất thải chăn nuôi bị đẩy ra cống rãnh, cùng với hệ thống nhà vệ sinh tự hoại, nước thải sinh hoạt cũng chảy theo ra cống rãnh gây ô nhiễm nguồn nước mặt, ao hồ, lâu dần ngấm xuống làm ô nhiễm nguồn nước ngầm mà nguồn nước ngầm hiện nay vẫn là nguồn nước sinh hoạt chính của người dân.


            Rác thải sinh hoạt sau khi thu gom tuy đã được xử lý tại lò đốt rác, nhưng vẫn còn một lượng không nhỏ các loại vỏ lọ hóa chất thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng bị
vất bừa bãi xuống kênh mương, cánh đồng đã làm môi trường ngày càng bị ô nhiễm bởi dư lượng hoá chất bảo vệ thực vật còn sót lại trên các bao bì, chai lọ đựng thuốc gây ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước sinh hoạt của người dân.


            Tại các khu công nghiệp, làng nghề ở nông thôn, nguồn nước thải chưa được xử lý vẫn xả trực tiếp ra môi trường, gây ô nhiễm không chỉ khu vực làng nghề mà còn ảnh hưởng nhiều đến các khu vực xung quanh. Rồi theo dòng chảy tự nhiên đem ô nhiễm đi rất xa, ảnh hưởng cả một vùng. Đó là chưa kể đến thói quen thả rông trâu bò, chó… và chất thải của các động vật này vẫn còn nhiều ở ngoài đường, trong các khu vực công cộng…


            Các hộ chăn nuôi gia đình dù đã có biện pháp xử lý môi trường nhưng vẫn không triệt để gây thất thoát xả thải ra môi trường; đó còn chưa kể đến những doanh nghiệp vì lợi nhuận mà “bán rẻ lương tâm”, bất chấp tính mạng và sức khỏe của người dân, còn có hành vi che giấu sai phạm gây hậu quả nghiêm trọng.


            Mặt khác, các cơ sở sản xuất kinh doanh đa phần nhỏ lẻ, vốn ít, công nghệ lạc hậu, việc xử lý môi trường là tự phát, chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường; các làng nghề chưa được quy hoạch, gây ô nhiễm môi trường; ý thức của chủ doanh nghiệp chưa cao, còn tư tưởng chạy theo lợi nhuận ... là những nguy cơ gây ảnh hưởng đến môi trường.



            Ngoài ra, do thiết bị, công nghệ trong sản xuất công nghiệp, làng nghề, tiểu thủ công nghiệp... còn lạc hậu và thủ công, khu vực sản xuất, kinh doanh hầu như chưa có các công trình xử lý nước thải nên hậu quả về ô nhiễm môi trường mỗi ngày thêm gia tăng. Hiệu quả của công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động của doanh nghiệp về bảo vệ môi trường chưa cao, chưa xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật trong công tác quản lý,bảo vệ môi trường.

 

            Mặt trái và hệ lụy của quá trình đô thị hoá tăng nhanh đã tác động rất lớn đến môi trường và biến đổi khí hậu, trong đó không thể tránh khỏi việc môi trường sống của con người đang bị đe dọa, suy thoái nghiêm trọng bởi ô nhiễm từ các chất thải, nước thải của các khu công nghiệp, làng nghề, khu dân cư ... Vì vậy, việc xây dựng nông thôn mới đặt ra mục tiêu, tiêu chí cho các vùng nông thôn cũng vừa là thách thức vừa là động lực, là cơ hội để bộ mặt nông thôn khởi sắc trên đà phát triển. Song, vấn đề cốt lõi là suy nghĩ và hành xử đúng mực của con người đối với thiên nhiên, môi trường.



            Vì môi trường sống lành mạnh, bên cạnh sự vào cuộc của chính quyền địa phương, rất cần ý thức tự giác của chính mỗi người dân: thu gom rác thải; tránh để rác bừa bãi hoặc ô nhiễm quanh khu vực gia đình cư trú; không thả rông chó mèo; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách, ngưng trước khi thu hái theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất, vỏ lọ, bao gói thuốc cần được thu gom tập kết vào đúng nơi quy định…

 

 

(Nguyễn Quang Phú:  Cán bộ Địa chính – XD NTM)

 

 

 





image advertisement

image advertisement





Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1

         Cơ quan chủ quản: UBND xã Hải Thanh
         Địa chỉ : UBND xã Hải Thanh - huyện Hải Hậu - tỉnh Nam Định
         Email: xahaithanh.hhu@namdinh.gov.vn
         Người chịu trách nhiệm: Ông Vũ Thế Mạnh – Chủ tịch UBND xã - 

         Số điện thoại của Chủ tịch UBND xã: 0913.347.169
          Giấy phép của Sở Thông tin và Truyền thông Nam Định số 01/GP-STTTT ngày 18 tháng 01năm 2017.

  
Chung nhan Tin Nhiem Mang