KỶ NIỆM 98 NĂM NGÀY BÁO CHÍ CÁCH MẠNG VIỆT NAM (21/6/1925 - 21/6/2023)

Sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất các nước thắng trận
họp Hội nghị hòa bình ở cung điện Versailles - thủ đô nước Pháp để chia lại thị
trường và vùng ảnh hưởng sau chiến tranh, nhưng các nước này lại cố tình lờ đi
vấn đề khôi phục, hoặc ít ra là nới rộng quyền cơ bản của nhân dân các nước
thuộc địa (họ phớt lờ bản yêu sách đòi các quyền dân sinh dân chủ tối thiểu do
Nguyễn Ái Quốc, thay mặt Hội những người Việt Nam yêu nước gửi đến). Ở Việt
Nam, mâu thuẫn giữa nhân dân với chủ nghĩa thực dân và tay sai phong kiến ngày
càng gay gắt. Các phong trào yêu nước do các tầng lớp sĩ phu, trí thức, tiểu tư
sản lãnh đạo đều bị đàn áp dã man và lâm vào khủng hoảng sâu sắc. Giai cấp công
nhân Việt Nam từng bước lớn mạnh, sẵn sàng đảm đương sứ mệnh lịch sử là lãnh
đạo cuộc cách mạng. Tình hình trên đòi hỏi truyền bá một cách có hệ thống chủ
nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam, vận động tổ chức đẩy mạnh phong trào yêu nước
và phong trào đấu tranh của công nhân; tích cực chuẩn bị các tiền đề chính trị,
tư tưởng, tổ chức cho việc thành lập một Đảng cách mạng, một tổ chức tiên phong
đại diện lợi ích của giai cấp công nhân và của toàn dân tộc. Lịch sử dân tộc
Việt Nam đòi hỏi và trên thực tế đã hình thành những tiền đề cần thiết cho sự
ra đời một tờ báo cách mạng chân chính. Trong bối cảnh của Việt Nam vào thời
điểm này, người gánh trách nhiệm lịch sử đưa ra chủ trương xuất bản tờ báo này
phải là người cách mạng, hiểu sâu sắc vai trò của báo chí cách mạng và chỉ có
thể xuất bản bí mật tờ báo này, phát hành ngoài vòng pháp luật của thực dân
Pháp. Sứ mệnh lịch sử này đã được nhà yêu nước, người Cộng sản Việt Nam đầu
tiên nhận trách nhiệm thực hiện.
Trên con đường đi tìm đường cứu dân,
cứu nước, Nguyễn Ái Quốc bắt đầu sự nghiệp báo chí của mình từ cuối năm 1917
khi Người từ Anh trở lại nước Pháp. Động cơ làm báo của Người lúc này là: Phát
biểu chính kiến của mình trên các phương tiện thông tin đại chúng ngay tại nước
Pháp để đấu tranh cho độc lập, tự do của dân tộc mình. Được sự giúp đỡ của luật
sư Phan Văn Trường, đặc biệt là sự khuyến khích của Charles Louguet, cháu
ngoại của C.Mác – Chủ nhiệm báo Le populaire (Người bình dân) - cơ quan của
Đảng xã hội Pháp thời kỳ này và của Gaston Monmoussesu - chủ bút báo La vie
d’ouvriers (Đời sống thợ thuyền), Nguyễn Ái Quốc đã đi vào con đường báo chí.
Sau khi viết nhiều tin ngắn đăng trên
báo Đời sống thợ thuyền, bài báo đầu tiên của Nguyễn Ái Quốc mà chúng ta được
biết đến là bài luận chiến rất sắc sảo với tiêu đề: "Tâm địa thực
dân". Từ năm 1919, nhiều tờ báo ở Pháp, trong đó có nhiều tờ nổi tiếng
như: Người bình dân, Đời sống thợ thuyền, Báo của dân (Le journal du peuple)
Tạp chí cộng sản (Le cahiers du communisme) Nhân đạo (L’Humanite) Thư tín quốc
tế (La corres-pondance internationale)… đã đăng nhiều bài báo của Nguyễn Ái
Quốc. Tháng 7/1921, Nguyễn Ái Quốc cùng một số nhà cách mạng ở các nước thuộc
địa khác của Pháp lập Hội liên hiệp thuộc địa và xuất bản báo Le Paria (Người
cùng khổ). Số 1 báo Le Paria ra ngày 1/4/1922. Những bài báo đăng trên tờ báo
này đã khẳng định tài năng báo chí và văn học của Nguyễn Ái Quốc. Đầu năm 1923,
Nguyễn Ái Quốc chủ trương xuất bản tờ báo tiếng Việt tại Pháp với tên báo là:
Việt Nam Hồn để phục vụ kiều bào Việt Nam ở Pháp. Từ 1923 đến 1924, khi
học tập, công tác ở Liên Xô và Trung Quốc, Nguyễn Ái Quốc vẫn làm cộng tác viên
cho hãng thông tấn Liên Xô và tờ Tiếng Anh CantoGazette - cơ quan của Quốc
dân Đảng Trung Quốc.
Cuối năm 1924, Quốc tế Cộng sản phái
Nguyễn Ái Quốc sang công tác ở Trung Quốc theo đúng nguyện vọng của Người được
gần với Tổ quốc để có điều kiện hoạt động hơn. Tiến tới thành lập Đảng Cộng sản
Việt Nam là mục đích cao nhất của Người đặt ra trong thời điểm này.
Thời gian này, với cương vị Ủy viên Bộ Phương
Đông, trực tiếp phụ trách Cục Phương Nam, là một nhà yêu nước có sự hiểu biết
sâu sắc văn hóa Đông -Tây, là nhà cách mạng, thấm nhuần chủ nghĩa Mác Lênin,
một người từng nhiều năm làm báo và hiểu rõ sức mạnh của báo chí, Nguyễn Ái
Quốc rất tâm đắc những quan điểm của Lênin về báo chí: “Trong thời đại ngày nay, không có tờ báo chính trị
thì không thể có phong trào gọi là chính trị”, “chúng ta cần
trước hết là tờ báo, không có nó thì không thể tiến hành một cách có hệ thống
cuộc tuyên truyền, cổ động hết sức có nguyên tắc và toàn diện”. “Báo chí là người
tuyên truyền, người cổ động, người tổ chức chung, người lãnh đạo chung”.
Cuối năm 1924, khi về đến Quảng Châu (Trung Quốc), Nguyễn Ái Quốc bắt tay ngay
vào việc chuẩn bị xuất bản một tờ báo chính trị, đồng thời mở những lớp huấn
luyện các thanh niên ưu tú đưa từ trong nước sang để làm nòng cốt cho cách mạng
sau này.
Nguyễn Ái Quốc cùng một số đồng chí là
học trò của Người thực hiện công việc trọng đại này trên căn gác nhỏ
thuộc khu phố buôn bán sầm uất ở trung tâm Quảng Châu. Căn gác này cũng là
nơi thành lập và là trụ sở của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên.
Tại thời điểm này, các số báo Thanh
niên được thực hiện, nhân ra trên những bản bằng giấy sáp, rồi được chuyển bí
mật về nước. Ở Việt Nam, tờ báo Thanh niên được các cơ sở cách mạng chép tay
thành nhiều bản rồi chuyền tay cho các đồng chí của mình đọc và truyền đạt tới
nhân dân.
Số đầu tiên của tờ Thanh niên, cơ quan
của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên được xuất bản ngày 21/6/1925, và tiếp tục
xuất bản đều đặn hàng tuần. Với gần 90 số, báo Thanh niên đã hoàn thành sứ mệnh
lịch sử: Truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin trong nhân dân ta, góp phần tích cực
chuẩn bị về mặt lý luận, chính trị, tư tưởng và tổ chức cho việc thành lập
Đảng Cộng sản Việt Nam, mở ra một dòng báo chí mới - Báo chí cách mạng Việt Nam.
Sau báo Thanh niên, Nguyễn Ái Quốc lập
ra báo Kông Nông (1926), Báo Đường Kách Mệnh (1927). Ngày 1/10/1929, báo Búa
Liềm - cơ quan ngôn luận của Đông Dương Cộng sản Đảng ra số đầu tiên. Tháng
8/1929, chi bộ An nam Cộng sản ở Thượng Hải ra báo Đỏ viết tay trên giấy sáp.
Kể từ tờ Thanh niên mở đường đến cuối năm 1929, báo chí cách mạng Việt Nam đã
có trên 50 tờ báo và tạp chí là cơ quan của các cấp hội của Hội Việt Nam thanh
niên cách mạng và 2 tổ chức Cộng sản là: Đông Dương Cộng sản Đảng và An Nam
Cộng sản Đảng.
Ngày 3/2/1930, tại Hội nghị hợp nhất
các tổ chức cộng sản, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam dưới sự chủ trì của đồng
chí Nguyễn Ái Quốc đã thông qua một nghị quyết về báo chí. Từ khi Đảng Cộng sản
Việt Nam ra đời, vấn đề Đảng Cộng sản lãnh đạo là vấn đề tự thân của báo chí,
đặc biệt ở một nước mà lịch sử lựa chọn sự lãnh đạo của Đảng để thực hiện sự
nghiệp vĩ đại: Giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do, tiến đến chủ nghĩa xã
hội như ở nước Việt Nam ta.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt
Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, báo chí cách mạng Việt Nam từ tờ báo đầu tiên
- báo Thanh niên xuất bản ngày 21/6/1925 - qua mỗi thời kỳ cách mạng đều có sự
phát triển mạnh mẽ, đến nay là một hệ thống quốc gia các cơ quan thông tin đại
chúng gồm nhiều loại hình, ở nhiều cấp, thuộc nhiều cơ quan chủ quản, xuất bản
bằng tiếng Việt và tiếng các dân tộc thiểu số, bằng ngoại ngữ, với những chức
năng và nhiệm vụ hết sức đa dạng, nhằm nhiều loại đối tượng và sử dụng nhiều
công nghệ hiện đại. Cả nước có 1 hãng thông tấn quốc gia, 1 đài truyền
hình phát thanh quốc gia, 1 đài truyền hình quốc gia, các đài địa
phương; cơ quan báo chí (báo in của Trung ương và báo địa phương);
tạp chí (Tạp chí Trung ương, tạp chí địa phương); báo, tạp chí điện
tử độc lập, báo, tạp chí điện tử của cơ quan báo chí in; trang thông tin
điện tử, website. Và với lực lượng nhà báo có bản lĩnh chính trị, có
đạo đức và nghiệp vụ báo chí, báo chí cách mạng Việt Nam là một nền báo chí
kiểu mới, do Đảng Cộng sản tổ chức, lãnh đạo, lấy chủ nghĩa Mác Lênin, tư tưởng
Hồ Chí Minh làm nền tảng chính trị tư tưởng. Đó là nền báo chí của nhân dân, vì
lợi ích cao cả của nhân dân mà hoạt động và chịu sự giám sát của nhân dân.
Báo chí là bộ phận cấu thành của văn
hóa. Mỗi bài báo là một sản phẩm văn hóa, chứa đựng các giá trị và truyền bá
các giá trị văn hóa nên mỗi nhà báo cần có nghiệp vụ vững vàng, có tâm
huyết với sự nghiệp xây dựng nền văn hóa, xây dựng con người. Từ tất cả những
đặc trưng tính chất trên đòi hỏi những người làm báo chí cách mạng phải có tâm
sáng, lòng trong, bút sắc!
Những người làm báo Việt Nam hôm
nay rất đỗi kiêu hãnh, tự hào về truyền thống vẻ vang, những bước trưởng
thành và những cống hiến to lớn trong lịch sử báo chí cách mạng 98 năm
qua, càng nhận thức sâu sắc trọng trách của báo chí trong thời kỳ phát triển
mới của dân tộc - thời kỳ tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; tiến
hành đồng bộ, toàn diện công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại
hóa đất nước, chủ động hội nhập quốc tế, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc
Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Trong thời kỳ mới, trong điều kiện phát
triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, truyền thông, trong sự cạnh tranh gay
gắt của các loại hình báo chí, các cơ quan báo chí cần phải đẩy mạnh phát
triển kinh tế báo chí, nhưng dứt khoát không được sa vào xu hướng tư nhân hóa,
thương mại hóa, sa vào nguy cơ suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Các
cơ quan báo chí và những người làm báo Việt Nam luôn kiên định, vững vàng trước
mọi diễn biến phức tạp của tình hình, vượt qua những nguy cơ, thách thức, thực
hiện thắng lợi trọng trách vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam.